Những chia sẻ duy trì niềm đam mê cờ vua (phần 2)

Người chơi cờ, đặc biệt là trẻ em, sẽ bắt đầu hiểu ra thắng hay thua ván cờ hoặc giải đấu tuy có mức độ quan trọng nhưng đều là những bài học quý báu cho sự phát triển bản thân.

“Hãy để chiếc cúp hoặc tấm huy chương là tưởng thưởng cho sự nỗ lực hết mình vì niềm đam mê.” Thật ra, là cũng không cần đến cúp hay huy chương, sự phấn đấu kiên trì nhiều ngày tháng và lòng quyết tâm cao độ trong mỗi giải đấu của các bạn nhỏ xứng đáng nhận được sự khen ngợi từ phía phụ huynh và thầy cô.

1.jpg

Đoạt giải là niềm vui nhưng sẽ thật tuyệt nếu trẻ hiểu đó là thành quả của sự phấn đấu không ngừng (ảnh học trò Dương Vĩnh Khang)

Đã rất nhiều thế hệ nghĩ rằng, thành công là phải đạt thành tích. Nhưng ngày nay, định nghĩa thành công đã dần được xoay chuyển trong tư duy của nhiều bậc phụ huynh, thành công hiện nay là thành tựu. Mà thành tựu có được là do sự bền bỉ theo đuổi đam mê và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Và trong điều to lớn đó, hướng cho trẻ đến với việc nỗ lực phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách thông qua các môn chơi sở thích lành mạnh chính là bước đầu chuẩn bị cho tư duy phấn đấu thành tựu.

2.jpg

Các bạn nhỏ hãy duy trì đam mê cờ vua nhé! (ảnh học trò Trần Dương Hoàng Ngân)

Khi trẻ luôn cố gắng hết mình và duy trì đam mê với cờ vua từ lúc nhỏ mới tập chơi cho tới lúc trưởng thành bất kể có hay không có thành tích, đó là thành công của thầy cô và gia đình trong việc giáo dục. Chắc chắc các bạn nhỏ đã học được nhiều bài học bổ ích thông qua quá trình rèn luyện cờ. Vậy làm thế nào để hỗ trợ cho con em mình duy trì niềm đam mê và tiến bộ trong khả năng chơi cờ đồng thời nhận được lợi ích rèn luyện tư duy và nhân cách từ các môn cờ? Xin được chia sẻ những kinh nghiệm tham khảo từ nhiều học viên và phụ huynh:

  1.       Hãy là người bạn chơi cờ của con: cha mẹ, anh chị có thể không chơi cờ hay nhưng hãy tìm hiểu và biết chơi ở mức độ vừa phải để chơi với các bé, đặc biệt là bé mầm non – vỡ lòng. Sẽ là rất vui và bổ ích khi cả nhà quây quần bên nhau buổi tối bên bàn cờ vua.
  2.       Tìm môi trường sinh hoạt cờ lành mạnh, phù hợp phương châm giáo dục: không cần phải đi đến lớp cờ hay câu lạc bộ cờ mỗi ngày (lịch quá dày đặc dành cho cờ nhiều lúc khiến bé cảm thấy áp lực hoặc nhàm chán). Hãy chọn các nơi dạy cờ vua hoặc câu lạc bộ có những kỳ thủ, thầy cô dạy cờ với phương châm giáo dục. Và chỉ cần 2-3 lần/tuần là đủ.
  3.       Ủng hộ trẻ tham gia các giải cờ phong trào: giải trường, giải câu lạc bộ, giải các trung tâm mở rộng, giải quận… đều là những nơi rèn luyện tốt. Không quan trọng là con chúng ta thắng hay thua, đoạt giải hay không. Hãy để các bạn nhỏ trải qua những cảm xúc vui buồn, hồi hộp, phấn chấn… và định hướng giúp trẻ hiểu rằng môn chơi – thể thao sẽ là vậy. Hãy khuyến khích con em bằng các phần thưởng cho sự phấn đấu trong luyện tập, sự quyết tâm trong thi đấu và sự kiên trì, mạnh mẽ chơi tới ván cuối cùng giải đấu cho dù là được bao nhiêu điểm.
  4.       Hãy cùng trao đổi với thầy cô: để giúp thầy cô hiểu hơn về học trò của họ (con em mình).Từ đó tìm ra phương pháp học tập phù hợp và khắc phục những điểm yếu trong kỹ năng cờ của bạn nhỏ và rèn luyện những đức tính tốt đẹp cho bé.
  5.       Trên hết, hãy cho trẻ biết rằng: chơi cờ vua là sự lựa chọn mà con yêu thích, ba mẹ không hề bắt buộc phải thắng hay phải đoạt giải; chỉ cần con vui và học điều hay mỗi ngày là ba mẹ vui.

Phương Minh

 

 


Bài viết liên quan:

DANH NGÔN CỜ VUA

Mikhail Botvinnik